Hà Nội đề xuất Quốc hội giám sát chung cư cao tầng

Nhận thấy việc quản lý, mua bán nhà chung cư, nhà ở xã hội tại các địa phương có nhiều bức xúc từ phía người dân, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Đoàn ĐBQH thành phố đề xuất đưa nội dung giám sát việc thi hành Luật Nhà ở, Luật Xây dựng vào chương trình giám sát của Quốc hội.

Chung cư Hà Nội

Chiều 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội làm việc với đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ... thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIV.

Trong tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban MTTQ thành phố cho thấy, cử tri Thủ đô đề nghị các cấp, các ngành kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm; tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối; quản lý chặt chẽ hàng giả, hàng kém chất lượng…

Ông Trần Ngọc Nam, Phó GĐ Sở KH&ĐT Hà Nội, đại diện UBND thành phố kiến nghị Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về một số lĩnh vực cụ thể như giao thông; phân cấp, ủy quyền thống nhất giữa Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản luật, Nghị định chuyên ngành…

Đặc biệt, trong thời gian qua, việc quản lý, mua bán nhà chung cư, nhà ở xã hội tại các địa phương có nhiều bức xúc từ phía người dân, vì thế, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Đoàn ĐBQH thành phố đề xuất với QH xem xét đưa nội dung giám sát việc thi hành Luật Nhà ở, Luật Xây dựng vào chương trình giám sát.

Theo Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải, các ý kiến, kiến nghị sẽ được chuyển đến QH, các cơ quan của QH để có giải pháp tháo gỡ.

Riêng về vấn đề quản lý chung cư, ông Hải cho biết, HĐND thành phố Hà Nội đã có chương trình giám sát, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành riêng một Nghị quyết.

Dù vậy, đô thị phát triển, nhà ở chung cư sẽ tiếp tục phát triển nhiều hơn, đòi hỏi phải tiếp tục giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này, kể cả vấn đề văn hóa ứng xử ở chung cư…

“Đây là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của chính quyền đô thị”, ông Hải nói.