Trước khi lấy vợ, tôi là người đàn ông có tâm hồn khá tinh tế và nhạy cảm trong chuyện ăn uống: ngửi mùi thịt kho tàu nhà hàng xóm, tôi biết đó là thịt mông, vai, hay ba chỉ; đi qua quán cơm bụi đang rán cá, tôi có thể khẳng định chính xác đó là cá trôi, mè, hay diếc.
Nhưng thật tiếc, từ khi lấy vợ, sự tinh tế và nhạy cảm ấy đã thui chột hết. Giờ, nhiều khi đút miếng thịt vào mồm, tôi chẳng biết đó là món xào, luộc hay kho, và cũng không phân biệt được nó là thịt gà, vịt hay bò.
Ngày xưa – tức là lúc chưa lấy vợ - tôi như con dê núi, tối ngày lang thang, tự do phơi phới: sớm thì ra bờ suối, thưởng thức những nhành cỏ non thơm như mùi lúa mới; trưa tha thẩn ngoài bãi nhâm nhi củ sắn, củ khoai; tối đổi món chạy lên tận đỉnh đồi, vùng vẫy một mình với bạt ngàn rau sạch…
Bây giờ - tức là khi đã lấy vợ - tôi vẫn là con dê núi, nhưng đã bị nhốt vào cái lồng chật chội, tù túng với một mụ quản thú dữ dằn, hà khắc vô cùng. Còn đâu bạt ngàn rau sạch mơn mởn, xanh tươi; còn đâu những củ sắn củ khoai mũm mĩm, nần nẫn, chỉ cắn nhẹ thôi nhựa đã ứa ra ngập răng, choe choét cả mồm; còn đâu những lọn cỏ non thơm thơm mùi lúa mới. Giờ, tới bữa, mụ quản thú quẳng vào lồng cho tôi nhúm cỏ già úa, khô khốc, trệu trạo nhai và rào rạo nuốt mãi không trôi qua cuống họng.
Chắc một số bạn đang chửi tôi ngu, rằng sao trước khi cưới không bắt vợ nấu cho ăn, ngon thì hẵng cưới, không ngon thì té?! Tất nhiên là tôi có nghĩ đến chuyện đó chứ! Thậm chí mới ngỏ lời yêu buổi sáng thì buổi chiều tôi đã lập tức kiểm tra tài nấu nướng của vợ bằng cách đến phòng vợ rồi đề nghị vợ nấu cơm cho ăn. Nhưng vợ nghe xong yêu cầu của tôi thì đáp bằng giọng lạnh lùng: “Em có hai nguyên tắc không thể phá vỡ: Thứ nhất, không quan hệ tình dục trước hôn nhân; thứ hai, không nấu cơm cho nhau ăn trước hôn nhân. Nếu anh vẫn cố tình phá thì chỉ được phép phá một trong hai nguyên tắc đó thôi”.
Giờ thì các bạn đã hiểu vì sao cưới xong tôi mới phát hiện ra khả năng nấu nướng của vợ rồi chứ? Nếu tôi chọn phá cái thứ hai – thay vì cái thứ nhất – thì chắc số người chửi tôi ngu sẽ còn nhiều hơn. Tóm lại, kiểu gì tôi cũng bị chửi là ngu!
Mà thôi, thân tôi thì thế nào tôi cũng chịu, bởi đó là con đường do tôi tự chọn, nhưng còn thằng con tôi, nó mới 4 tuổi mà đã phải chịu cảnh ngộ như tôi. Tôi thương nó!
Vợ tôi có một cái tật, là khi nấu món gì đó, nếu có ai đó - vì phép lịch sự, vì đang say rượu không phân biệt được phải trái, hoặc vì muốn nhờ vả, xin xỏ gì đó - mà lỡ mồm khen ngon, thì y như rằng cả tuần sau vợ tôi chỉ nấu nguyên món đó. Bởi vậy, trong bữa cơm, mỗi lần vợ hỏi tôi: “Ngon không?”, thì tôi thường giả vờ không nghe thấy, rồi tìm cách lảng sang chuyện khác.
Nhưng rồi bữa ấy, khi cả nhà đang ăn món ốc bươu xào (thực ra vợ ăn là chính, chứ tôi với thằng cu con thì không dám ăn, bởi mấy con ốc xào ấy trắng ởn, nhợt nhạt, trần truồng nằm trên đĩa, trông hệt như nạn nhân của một vụ hiếp dâm bị thủ phạm ném xuống sông mà cả tuần sau mới tìm thấy xác), thì chợt vợ quay sang, âu yếm hỏi thằng cu con: “Ngon không?”.
Tôi hoảng quá! Nếu thằng con trả lời “ngon”, đồng nghĩa với việc cả tuần đó bố con tôi sẽ phải chịu đựng món ốc xào; còn nếu nó trả lời “không ngon”, thì những tiếng quát tháo, giận cá chém thớt của vợ sẽ khiến cho không khí gia đình tôi, trong ít nhất một tuần tới, sẽ trở nên rất nặng nề và đáng sợ.
May sao, thằng cu đã trìu mến ngước đôi mắt trong veo lên nhìn mẹ, rồi bảo: “Ngon mẹ ạ! Nhưng ốc thì chỉ nên ăn một bữa thôi, ăn nhiều dễ bị ỉa chảy lắm!”.
Tôi nghe con nói mà mừng rơi nước mắt! Mừng không phải vì thoát được bi kịch cả tuần ăn ốc, cũng không phải vì tránh khỏi cảnh vợ cáu bẳn, hằn học, mà mừng vì thằng con tôi, còn nhỏ tí nhưng đã hiểu chuyện, đã biết lo cho bố, đã biết bảo vệ, giữ gìn sự bình yên, êm ấm của gia đình.
Tất nhiên, khi không có ai khen thì vợ tôi khá tích cực đổi món. Vợ tôi nấu ăn theo phương châm: “mua một lần – ăn cả tuần”. Và chu trình đổi món như sau: Hôm đầu tiên, vợ tôi sẽ mua khoảng 3 cân thịt lợn về luộc. Ăn còn bao nhiêu thì hôm thứ hai sẽ cho vào rán. Ăn còn bao nhiêu thì hôm thứ ba sẽ cho vào kho. Ăn còn bao nhiêu thì hôm thứ tư cho vào sốt cà chua. Ăn còn bao nhiêu thì hôm thứ năm sẽ băm nhỏ làm chả quấn lá lốt. Ăn còn bao nhiêu thì hôm thứ sáu sẽ cho vào nấu cháo. Hiện tại thì cháo vẫn là món cuối cùng của chu trình, vì vợ tôi chưa nghĩ ra cách chế biến cháo thành một món nào khác. Và như thế nghĩa là sau cháo, bố con tôi sẽ được ăn món luộc. Lưu ý: chu trình trên không chỉ dành riêng cho thịt lợn, mà được áp dụng cho tất cả các loại thịt khác như bò, gà, chó, cá, hải sản, thủy sản, nông lâm sản, sơn sản, thiên sản…
Hôm trước, vợ có việc về bà ngoại một mình, nên bảo bố con tôi tự đưa nhau đi ăn quán. Khỏi phải nói là tôi và thằng cu mừng như thế nào! Vậy là tôi đèo nó đến ngay một quán cơm to, đẹp và lịch sự nhất phố. Đương nhiên là cu cậu rất phấn khởi. Vừa dựa xe trước cửa quán, cu cậu đã hỏi:
- Cái biển kia viết gì đấy hả bố?
- Đó là tên quán cơm con ạ! – Tôi trả lời.
- Thế còn cái dòng chữ nhỏ bên dưới kia?
- Đó là slogan của quán!
- Slogan gì ạ?
- “Ngon như cơm mẹ nấu!”.
Tôi đọc cái slogan đó rất tự nhiên, nhưng rồi lập tức giật mình, vì hình như tôi đã hớ. Quả đúng vậy, thằng cu nghe xong thì quay ngoắt đi, dứt khoát không chịu vào trong quán, mặc cho tôi tha hồ giảng giải, phân tích rằng slogan cũng chỉ là slogan, cũng chỉ là quảng cáo thôi, mà quảng cáo thì toàn là láo, không bao giờ đúng sự thật cả. Nhưng nó vẫn nhất quyết không nghe, rồi nằng nặc đòi vào cái quán cơm bụi không tên, không biển hiệu, nằm đối diện bên kia đường, bẩn thỉu, lụp xụp như cái lều.
Tôi vừa cay thằng chủ quán cơm, vì nó là thằng ếch ngồi đáy giếng, đặt cái slogan như hâm, vừa tiếc hùi hụi, vì chả mấy khi được đi ăn ngoài. Nhưng thằng cu nhà tôi đã quyết như thế, tôi phải theo thôi. Ấy vậy mà cũng lạ, dù cái quán cơm bụi lụp xụp ấy vắng teo, thức ăn nguội ngắt, lèo tèo, nhưng bố con tôi vẫn ăn hùng hục như hai thằng tù sắp chết đói vừa vượt ngục. Để rồi, trong một thoáng ngừng ăn, liếc sang con, thấy con đang khóc, tôi hỏi:
- Sao vậy con? Cơm không ngon à?
- Dạ không! Cơm ngon lắm ạ! Nhưng con nhớ lời bố dạy, rằng hưởng hạnh phúc hôm nay không được quên cay đắng hôm qua!
- Bởi thế mà con khóc?
- Dạ! Cũng chỉ đúng một phần thôi ạ!
- Vậy phần còn lại là gì?
- Dạ! Con nhớ tới những cay đắng ngày mai, khi mẹ trở về từ nhà bà ngoại…
Giờ thì tới lượt tôi khóc rồi! Cái thằng con mất dạy, hôm nay vui thì cứ biết hôm nay thôi, lại còn nghĩ tới ngày mai. Giờ, cái hàm tôi mếu máo, méo xệch, chẳng thể nhai, cục thức ăn ở cổ cũng vì thế mà dồn lại, phùng lên, nghẹn ứ…
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo