Nút thắt vay 30000 tỷ là ở Ngân Hàng?

Căn cứ vào tỷ lệ và tốc độ giải ngân như hiện tại, nhiều chuyên gia cảnh báo mục tiêu giải ngân trong 3 năm của gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng sẽ không thể hoàn thành...
Khó đẩy nhanh tiến độ cho vay

Báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) về việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho biết: Đến thời điểm này, số tiền giải ngân hơn 862 tỷ đồng, tương đương 2,8%. Con số này đã tăng 130 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2013. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào tỷ lệ và tốc độ giải ngân như hiện tại, nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo mục tiêu giải ngân trong 3 năm sẽ không thể hoàn thành, bởi nếu muốn hoàn thành thì mỗi tháng phải giải ngân 1000 tỷ đồng.

Năm 2014, Chính phủ liên tiếp yêu cầu các cơ quan liên quan giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng trong bối cảnh hai cơ quan chính liên quan đến các chính sách để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng này nơi nào cũng có cái khó và lý do riêng.

Lý giải tốc độ giải ngân chậm chạp của gói 30.000 tỷ, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng lý do lớn nhất khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận gói này vẫn là việc bắt họ phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do, cho dù hàng tháng hoặc hàng quý họ vẫn xoay xở được một món tiền đủ để trả nợ ngân hàng theo cam kết.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước lại cho biết, nguyên nhân chính khiến tiến độ thực hiện của gói 30.000 tỷ đồng không như mong muốn là sự thiếu hụt nguồn cung của phân khúc nhà ở xã hội. "Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế làm việc triển khai chưa tốt" - Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết.

Chờ ngân hàng “mở lòng”

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đưa ra nhận xét: Tạm gác những tranh luận giữa việc gói tín dụng này để giải cứu thị trường bất động sản hay hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà thì cho đến thời điểm này gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực sự là khó giải ngân nên mới có đề xuất kéo dài thời gian giải ngân. Các thủ tục hành chính phức tạp cũng khiến cho người dân có nhu cầu về nhà ở nản lòng. Dù các thủ tục đã được cải tiến nhưng cảm giác của phần đông người dân có nhu cầu vay gói tín dụng này vẫn thấy rằng thủ tục giống kiểu “hành là chính”. “Vấn đề là phải ở các ngân hàng thương mại. Chỉ khi nào các ngân hàng thương mại nới các tiêu chí thì người dân mới có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ này” - ông Thành bày tỏ quan điểm.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng: Việc ngân hàng có nới điều kiện cho vay hay không, nhất là ở tiêu chí chứng minh khả năng trả nợ là một trong những nút thắt quan trọng nhất.

TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng: Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phải giải quyết dứt điểm các cản trở về thủ tục để đưa gói tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng đi vào thực tế, bởi nhu cầu, sức mua và thanh khoản của thị trường nhà ở là có thực. Nhưng đây là nhiệm vụ không đơn giản vì cơ chế cho vay là ngân hàng chịu trách nhiệm về tính an toàn khoản vay, Nhà nước chỉ bù lỗ khoảng 5% lãi suất. “Trong khi đó, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do vậy dù cởi bỏ cơ chế thì cũng không chắc tốc độ giải ngân đã nhanh hơn” - ông Nghĩa cho biết.

Một số dự án giải ngân vốn 30000 tỷ đồng tại Hà Nội:

Tags: thủ tục vay vốn, khó khăn trong việc giải ngân vốn, vay vốn 30000 tỷ lãi suất thấp