Lý giải tên gọi chung cư Kim Văn Kim Lũ

Tình cờ tìm hiểu tại sao lại có tên Kim văn Kim lũ thì lại tìm ra cái thông tin này, chia sẻ để mọi người hiểu hơn về nơi mà chúng ta sắp về sinh sống:
Kim Lũ là một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai thành phố Hà Nội. Làng là một trong các làng cổ ven Thăng Long xưa, có truyền thống khoa bảng vào loại nhất nhì Thăng Long-Hà Nội xưa.
Tên làng Kim Lũ, có nghĩa là tơ vàng, gọi theo chữ Nôm là làng Kẻ Lủ hay làng Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng Kim Lũ nằm bên bờ dòng Tô Lịch, phía Bắc giáp Hạ Đình, phía Nam giáp Thanh Liệt.
Đến cuối thời Lê, Kim Lũ là một xã thuộc tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín.
Năm 1942, xã Kim Lũ thuộc Đại lý Hoàng Long, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, xã Kim Lũ đổi gọi là Tam Kim, gồm 3 làng có tên Kim. Năm 1949, thêm 2 làng Thượng Đình và Hạ Đình sáp nhập vào xã Tam Kim thuộc quận VI, Hà Nội. Hòa bình lập lại, Thượng Đình và Hạ Đình tách về Nhân Chính, Tam Kim nhập thêm thôn Đại Từ và đổi gọi là xã Đại Kim. Ngày nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Danh nhân của làng Kim Lũ:
• Hồng Hạo (1677-1748), đỗ Tiến sỹ khoa Canh Dần 1710, đời Lê Dụ Tông.
• Nguyễn Công Thái (1684 - 1758) làm quan đến Tham tụng (Tể tướng) kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám triều Lê-Trịnh
• Nguyễn Văn Siêu
• Nguyễn Trọng Hợp
• Tản Đà
• Hoàng Đạo Thành
• Hoàng Đạo Thúy

Chứng tỏ phong thủy của Kim Văn Kim Lũ là rất tốt, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều Danh nhân của đất Thăng Long – Hà Nội.
Tôi còn nhớ một kỷ niệm, vào mùa hè năm 2007 vì muốn mua một ít kẹo dồi chó gửi vào miền nam làm quà, tôi đã vào làng Lủ để tìm vì được nhiều người nói Làng Lủ nổi tiếng với nghề làm kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng.
Năm đó cả làng chỉ còn một vài nhà làm những thứ đó, đi lòng mãi mới tìm được một nhà còn làm nghề truyền thống. Nói chuyện với bà cụ già, bà kể bà làm nghề này từ lâu, trước đây cả làng làm nghề đi đâu cũng ngửi thấy mùi kẹo, mùi lạc rang, mạch nha. Giờ thì không còn nhiều người thích ăn nữa rồi, nhà bà cũng chỉ có bà và gia đình anh con út là làm nghề, thấy cũng đúng giờ có nhiều thứ ăn vặt ngon nên người ta quên mất những món ăn vặt quen thuộc ngày xưa.
Thêm một điều nữa giải thích tại sao Vinaconex lại chọn tên khu đô thị của chúng ta là GOLDEN SILK. Chính bởi vì Kim Lũ theo tiếng hán Nôm nghĩa là TƠ VÀNG.
Biết được nguồn gốc tên gọi, lịch sử của mảnh đất mà chúng ta cư ngụ càng làm cho chúng ta tin tưởng vào sự lựa chọn của mình và thêm yêu ngôi nhà của mình hơn các bác nhỉ.
Nguồn: http://www.webtretho.com

Xem chi tiết dự án: