Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường và giải quyết nợ xấu, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông báo bổ sung thêm danh sách các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở. Theo đó, đến nay đã có tổng số 15 ngân hàng thương mại tham gia vào chương trình này.
Như vậy, đến nay sẽ có tổng số 15 ngân hàng thương mại tham gia cho vay theo chương trình hỗ trợ nhà ở.
Ngoài các ngân hàng truyền thống như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại Thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, còn có Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bảo Việt, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong.
Ngoài ra, có thêm Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng và Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông.
Ngày 16/1, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp là hướng đi đúng đắn.
Thành phố Hà Nội đang thực hiện một việc nhưng hướng đến nhiều mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm và nhà ở cho người thu nhập thấp. Bên cạnh đó, kích thích thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh, để nhiều người có cơ hội mua nhà, đóng góp lớn vào tổng sản phẩm phát triển kinh tế của Thủ đô.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2013 đến năm 2014, Hà Nội đã hoàn thành 9 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với gần 6.000 căn hộ, tương đương khoảng 474.000m2 sàn. Giá cả các căn hộ bình quân từ 400 triệu đến 800 triệu đồng/1 căn.
Nhiều dự án xây dựng đạt chất lượng, mô hình kiểu mẫu của cả nước như khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Bắc Cổ Nhuế-Chèm.
Tuy nhiên, hiện nay một số dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở xa trung tâm không thuận tiện về hạ tầng kỹ thuật, thiếu hệ thống hạ tầng xã hội nên chưa hấp dẫn người mua như dự án Thanh Lâm, Đại Thịnh…
Một số dự án được thành phố chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi thành nhà ở xã hội, nhưng thủ tục chuẩn bị đầu tư lại chậm như dự án Khu nhà ở dịch vụ tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm hay một số nhà tại khu đô thị Minh Dương-Sơn Đồng…
Theo quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội đến năm 2015 phấn đấu đạt khoảng 1,8 triệu m2 sàn. Tuy nhiên đến nay mới chỉ đạt 1,4 triệu m2 sàn.
Do vậy, trong năm 2015, thành phố Hà Nội cần tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho lĩnh vực này, đồng thời, tăng cường rà soát, kiên quyết thu hồi hoặc giao cho các chủ đầu tư khác thực hiện nếu để dự án chậm kéo dài và không hiệu quả.
Hà Nội cũng sẽ chú trọng hình thức cho thuê nhà ở xã hội để nhiều đối tượng được tham gia hơn.